Chi tiết bài viết

Lốp xe ô tô chống xì hơi

16/08/2019

Lốp bị xì hơi không những gây phiền phức mà còn nguy hiểm khi bạn đang lái xe ôtô với tốc độ cao. Bạn sẽ không phải lo lắng, nếu xe trang bị lốp Run-flat - lốp chống xì hơi.

Lốp xe ôtô là bộ phận quan trọng quyết định độ êm ái và dễ chịu của xe khi vận hành. Đây là bộ phận của xe trực tiếp tiếp xúc với mặt đường, do vậy, có rất nhiều yếu tố làm lốp dễ hư hỏng và giảm tuổi thọ như ma sát, nhiệt độ, sức nặng của xe và các vật cản trên đường.

Thực tế, không phải lốp xe chịu tải của xe, mà chính là không khí bên trong. Có ba yếu tố quyết định độ chịu tải của lốp: kích thước của buồng không khí trong lốp, độ bền quyết định bởi cơ cấu lốp (giữ áp suất không khí) và lượng khí thực tế có trong lốp.

Lốp xe hết hơi là do sự rò rỉ không khí qua bề mặt lốp, làm giảm áp suất trong lốp. Do vậy, thường xuyên kiểm tra áp suất hơi trong lốp là điều rất quan trọng khi vận hành xe. Tuy nhiên, để xe ôtô vẫn có thể chạy ổn định khi lốp bị xì hơi, giải pháp thần kỳ dành cho bạn chính là lốp run-flat (tạm dịch là lốp chống xì)

Lốp chống xì là loại lốp được thiết kế để chống lại các hiệu ứng gây ra khi xe bị thủng, xì hơi, cho phép phương tiện có thể tiếp tục vận hành ở vận tốc thấp hơn, khoảng 90km/h và khoảng cách giới hạn khoảng 321.8km. Loại lốp này được trang bị trên những xe hạng sang vì giá cả cao gấp đôi lốp thông thường, đặc biệt các dòng sản phẩm của BMW.

Có ba loại công nghệ hiện sử dụng cho lốp chống xì : tự liền, tự nâng đỡ và hệ thống hỗ trợ chịu tải.

1. Lốp tự liền

Lốp tự liền là loại lốp được thiết kế để tự liền các vết nứt, thủng ngay lập tức và vĩnh viễn. Những lốp này có đặc tính là cấu trúc lốp có một đường lót thêm vào mặt trong, dưới phần mặt hoa lốp được phủ một lớp chất giúp gắn liền vết nứt. Chất này có thể hàn gắn lại các vết thủng, rách do đinh tán, ốc vít và các vật nhọn khác đường kính 3/16 inch. Loại lốp này sẽ trước hết sẽ bao vật nhọn lại và sau đó “vá” lỗ thủng khi vật nhọn bị đẩy ra ngoài. Do loại lốp này vá ngay các vết đâm thủng nên hầu hết tài xế không nhận biết được là lốp xe của mình bị thủng. Loại lốp này vẫn dùng kết cấu chuẩn, nên nếu lốp hư hỏng quá khả năng tự sửa chữa, các tài xế vẫn nhận biết được các dấu hiệu xuống hơi.

2. Lốp tự nâng đỡ

Loại lốp này có cấu trúc bên trong khá cứng chắc, có khả năng chịu tải của xe ngay cả khi lốp hoàn toàn hết hơi. Công nghệ này sử dụng khối cao su gia cố bên cạnh hoặc giữa các lớp lõi chịu nhiệt của vỏ lốp, giúp lõi vò lốp không bị phá hỏng khi xe hết hơi. Phần tang lốp (tiếp xúc với vành xe) cũng được thiết kế đặc biệt để ôm chặt lấy vành xe, giúp lốp không bị văng ra khỏi vành xe khi lốp xe hết hơi hoàn toàn. Khi dùng loại lốp này cần có một hệ thống cảnh báo giúp lái xe nhận biết được xe hết hơi. Không có hệ thống này, người lái có thể không nhận biết được áp suất lốp giảm quá thấp, gây hại cho lốp. Thông thường, lốp tự nâng đỡ có thể giúp xe vận hành thêm 80km ở vận tốc 90km/h.

3. Lốp có hệ thống hỗ trợ chịu tải

Hệ thống này kết hợp sử dụng một loại vành xe và lốp xe đặc biệt. Mặt hoa lốp sẽ được đặt trên một vòng đỡ gắn với vành khi lốp hết hơi. Lợi thế của kỹ thuật này là đặt mọi chức năng vận hành cơ học lên vành xe (vốn không mài mòn, không cần thay thế) và giảm tải cho lốp (vốn dễ mòn và cần thay thế). Thêm vào đó, hệ thống này cũng giúp tăng tính thoải mái khi lái xe vì độ cứng của thành lốp tương đương với của một lốp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, điểm hạn chế là vành lốp thiết kế đặc biệt của hệ thống không chấp nhận các loại lốp tiêu chuẩn hiện dùng. Số lượng hạn chế của nó cũng làm tăng giá thành.

Viết bình luận
popup

Số lượng:

Tổng tiền: